Từ ngày 15/01/2020, Bộ Giáo dục bãi bỏ việc kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C
Sau 26 năm, cuối cùng chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và được “về hưu”. Cụ thể, bộ Giáo dục – Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành thông tư và chính thức bỏ các yêu cầu về kiểm tra, cấp bằng ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 6/6/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành.
Đôi nét về chứng chỉ ngoại ngữ của Việt Nam
Chứng chỉ ngoại ngữ tại nước ta ra đời từ năm 1993 (Quyết định số 177/QĐ-TCBT ngày 30.1.1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình tiếng Anh thực hành A, B, C). Mục đích để đánh giá trình độ Anh ngữ của người học tiếng Anh tại Việt Nam. Cùng với các chứng chỉ về Chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ tin học thì chứng chỉ ngoại ngữ cũng là một yêu cầu bắt buộc với nhiều cán bộ viên chức đặc biệt là giáo viên. Tại Việt Nam hiện nay có 9 đơn vị được đánh giá là đủ điều kiện để tổ chức kiểm tra, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam bao gồm: Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQG Hà Nội; Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Đà Nẵng; Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Huế; Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; Trường ĐH Hà Nội; ĐH Thái Nguyên; Trường ĐH Cần Thơ; Trường ĐH Vinh.
Theo đó, từ ngày 24/01/2014, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư về khung năng lực ngoại ngữ với 6 bậc dành cho Việt Nam (gọi tắt là KNLNNVN). Cụ thể, KNLNNVN được xây dựng và phát triển dựa vào cơ sở tham chiếu, ứng dụng CEFR và các khung trình độ tiếng Anh ở nước ngoài, đồng thời kết hợp với tình hình và điều kiện thực tế ngành giáo dục ở Việt Nam. KNLNNVN được là 3 cấp với 6 bậc tương ứng bao gồm: Sơ cấp (A1,A2), Trung cấp (B1,B2) và Cao cấp (C1,C2).
Những câu chuyện xung quanh chứng chỉ ngoại ngữ
Nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười” của những cán bộ, giáo viên đi thi lấy loại chứng chỉ A, B, C này. Như đã nói, đối tượng chính của chứng chỉ đa phần là giáo viên, người chuẩn bị thi công viên chức, nâng ngạch. Những người này thừa nhận họ không có kiến thức nền tảng tốt về tiếng Anh nhưng vẫn phải đi thi vì đây là yêu cầu bắt buộc, chứng chỉ này là “tờ giấy thông hành” giúp họ đạt được mục đích của mình. Nhưng vấn đề sau đó, chứng chỉ này cũng không được dùng để làm gì.
Nhiều viên chức, giáo viên cho rằng những chứng chỉ mang tính “đối phó” và “cấp tốc” này không đánh giá được gì năng lực của họ. Có nhiều tiêu chuẩn khác như kết quả giảng dạy, chỉ tiêu công việc theo quý, theo năm, thể hiện tại cơ quan làm việc… sẽ sát với họ hơn là chứng chỉ ngoại ngữ. Và mới đây, Bộ GD-ĐT đã chính thức quyết định cho chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C “về hưu”.
Quyết định chính thức từ Bộ GD-ĐT
Ông Nguyễn Hữu Độ – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT vừa ký ban hành Thông tư số 20/2019-BGDĐT bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định số 30/2008/QĐ ngày 6.6.2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Theo đó, các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT sẽ không còn được áp dụng. Thông tư này sẽ áp dụng chính thức từ ngày 15/01/2020.
Bộ GD&ĐT cho biết mục đích của quyết định này chính là khắc phục tình trạng không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn tổ chức kiểm tra tại nhiều trung tâm, ngoài ra cò để loại bỏ những tiêu cực không đáng có liên quan đến chứng chỉ ngoại ngữ trong thời gian qua. Đây cũng là hành động để tạo sự đồng bộ về các chứng chỉ ngoại ngữ trong nước.
Theo Bộ GD&ĐT, những khóa đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ đang triển khai trước ngày 15/01/2020 vẫn tiếp tục thực hiện công việc cho đến khi kết thúc. Sau những bất cập về chứng chỉ ngoại ngữ, có lẽ đây là tin vui với rất nhiều người.
Thông tin từ: Vietnamnet và Lao Động.